Trang – nhà đầu tư bốn năm kinh nghiệm – cho biết đã xoá ứng dụng giao dịch chứng khoán khỏi điện thoại cách đây hai tháng, bỏ mặc khoản đầu tư hơn 600 triệu đồng.
Trang 30 tuổi, đang là nhân viên văn phòng của một công ty truyền thông ở TP HCM. Cô cho biết đã chặn đường dẫn vào website công ty chứng khoán và tắt thông báo tất cả nhóm chat liên quan. Điều này khác hoàn toàn với thói quen ‘năm phút phải mở bảng điện một lần’ của Trang khi thị trường thăng hoa trong những tháng đầu năm.
Trong bốn năm tham gia đầu tư chứng khoán, Trang cho rằng chưa bao giờ tưởng tượng danh mục chỉ gồm những cổ phiếu với vốn hóa, nền tảng cơ bản tốt như HPG, TCB, VHM có ngày bốc hơi hơn 30%. Và đây chỉ là mức lỗ trong lần gần nhất cô kiểm tra tài khoản vào cuối tháng 8 – thời điểm VN-Index còn đang quanh vùng 1.250 điểm.
‘Hiện tại, VN-Index đã thủng mốc 1.000 điểm và ba mã này là tác nhân chính khiến chỉ số rơi thẳng đứng nên danh mục của tôi chắc phải lỗ hơn 50%. Nhưng thôi mặc kệ, tôi không muốn quan tâm nữa’, Trang nói.
Trong khi đó, bà Hải – chủ một quán cà phê ở quận Bình Tân, TP HCM – cuối tháng 5, nghe lời tư vấn của em họ là môi giới một công ty chứng khoán, đã rót ba tỷ đồng để ‘bắt đáy’ lúc VN-Index rơi thẳng đứng từ đỉnh 1.500 điểm. Thị trường sau đó đi lên đúng như kỳ vọng nên tính cả vốn lẫn lãi có lúc tài khoản của bà xấp xỉ bốn tỷ đồng. Nhưng bà Hải không vội chốt lời mà tiếp tục giải ngân một tỷ để gom thêm cổ phiếu.
May mắn lần này không lặp lại với bà. Những cổ phiếu bà Hải nắm giữ cứ cách vài ngày lại có một phiên giảm sàn. Đến hôm qua, tài khoản chỉ còn 1,7 tỷ đồng, nhưng bà vẫn án binh bất động phần vì không còn tiền để mua bình quân giá, phần không đủ can đảm cắt lỗ. Hiện bà còn bị ‘kẹp hàng’ cổ phiếu FLC, mã chiếm tỷ trọng gần 20% trong danh mục, do đang bị đình chỉ giao dịch.
‘Tôi quá ngán chứng khoán. Giờ ngồi yên, không mua bán gì nữa để chờ thị trường hồi phục cho khoản lỗ còn vài trăm triệu thôi là bán đứt’, người phụ nữ mới vào thị trường chưa đầy nửa năm than thở.
Không riêng Trang hay bà Hải, hầu hết nhà đầu tư thời gian qua đều không thể ngược dòng thị trường. Khảo sát của VnExpress trong một tuần qua ghi nhận 89% trong số 12.500 độc giả tham gia cho biết danh mục đang âm so với cuối năm ngoái. 22% nói khoản lỗ dao động 30-50%, còn tỷ lệ nhà đầu tư lỗ hơn phân nửa số vốn bỏ ra lên đến 46%.
Đây là hệ quả sau ba tháng bùng nổ đầu năm, thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào đợt điều chỉnh kéo dài bởi tác động của nhiều sự kiện như khởi tố lãnh đạo một số công ty niêm yết, hủy kết quả đấu giá đất Thủ Thiêm, tăng lãi suất điều hành cộng thêm dòng vốn rút ra phục vụ sản xuất kinh doanh và san sẻ qua các kênh đầu tư khác.
Ông Nguyễn Thành Trung, Trưởng phòng tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Thành Công, cho rằng tín hiệu rõ nhất thể hiện nhà đầu tư ‘ngủ đông’ là khi VN-Index và thanh khoản cùng lao dốc. Giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên trong sáu tháng gần nhất đều dưới 20.000 tỷ đồng, chỉ bằng phân nửa những tháng cuối năm ngoái và đầu năm nay. Cá biệt một số phiên chỉ số giảm sâu nhưng dòng tiền bắt đáy không xuất hiện nên thanh khoản chỉ còn 8.000 tỷ đồng, gần bằng mức trước Covid-19.
Ông Trung chia nhà đầu tư trên thị trường thành ba nhóm để đánh giá mức độ ‘ngủ đông’. Đầu tiên là những đội nhóm giao dịch thường xuyên với mục đích tạo thanh khoản và giá cho cổ phiếu. Sau động thái quyết liệt của Uỷ ban Chứng khoán đối với trường hợp thao túng giá cổ phiếu liên quan đến Tập đoàn FLC và Louis Holdings, nhóm này lo ngại nên đang án binh bất động.
Nhà đầu tư cá nhân có giá trị tài sản ròng trong chứng khoán dưới 2 tỷ đồng là nhóm thứ hai. Đây cũng là nhóm đông đảo nhất và cũng hành động cảm tính nhất. Lỗ càng đậm họ càng dễ có tâm lý buông xuôi thể hiện qua việc đóng bảng điện, chặn liên lạc của môi giới, ngừng giao dịch để chờ thị trường qua giai đoạn khó khăn.
‘Đa phần họ không có chiến lược đầu tư rõ ràng nên VN-Index giảm 30% thì danh mục họ có thể mất 50-60%’, ông Trung nhận định.
Nhóm thứ ba là những nhà đầu tư ‘tay to’ có tài sản trên 20 tỷ đồng. Họ có lợi thế thông tin hơn nhà đầu tư cá nhân nhỏ, do đó có thể bán ra ở vùng 1.400-1.500 điểm và đứng ngoài chờ đợi. Nhóm này đã đứng ngoài thị trường từ đỉnh nên không ảnh hưởng nhiều khi VN-Index lao dốc, thậm chí xem đây là cơ hội để chuẩn bị giải ngân trở lại.
Riêng với nhóm chủ các doanh nghiệp, theo ông Trung, họ tham gia thị trường hăng hái nhất trong giai đoạn giãn cách xã hội bởi khi đó kinh doanh không được, dòng vốn nhàn rỗi. Tuy nhiên, nhóm này đã rút tiền từ cuối năm ngoái và đầu năm nay để quay lại kinh doanh nên không gọi là ‘ngủ đông’.
Đồng quan điểm, ông Võ Công Minh – Giám đốc Kinh doanh của Công ty Chứng khoán ACB – đánh giá phần đông tạm ngừng giao dịch là những nhà đầu tư mới chinh chiến vài năm, chưa trải qua nhiều cú giảm sốc tương tự nên thiếu kinh nghiệm đánh giá thị trường. Trong khi đó, những nhà đầu tư kỳ cựu có thể cũng đang âm vốn nhưng họ vẫn mua bán hàng ngày với hi vọng thu hẹp khoản lỗ.
Thực tế này được chứng minh bằng số liệu mua bán của nhà đầu tư cá nhân trong nước. Theo đó, nhóm này đã mua ròng (tức giá trị mua vào lớn hơn bán ra) ba tuần liên tiếp để bù đắp cho làn sóng rút vốn từ khối ngoại. Trong hai tuần đầu tháng 10, cá nhân trong nước lần lượt mua ròng 2.310 tỷ đồng và 2.940 tỷ đồng còn tuần gần nhất là 360 tỷ đồng.
Ngoài những lý do tạm dừng giao dịch phổ biến là hết tiền mặt, sợ cắt lỗ và bi quan về triển vọng thị trường thì khuyến nghị thận trọng từ các nhóm phân tích cũng tác động không nhỏ đến quyết định của nhà đầu tư. Trái ngược với các dự báo lạc quan và kỳ vọng tăng 30-50% hồi đầu năm, nhiều công ty chứng khoán gần đây kêu gọi nhà đầu tư đứng ngoài thị trường.
Theo ông Minh, những nhà đầu tư ít kinh nghiệm chọn ‘đóng băng’ hay ‘ngủ đông’ trong giai đoạn này là đúng đắn. Thị trường luôn vận động theo chu kỳ hình sin nên khả năng thu hẹp khoản lỗ cao hơn là bán ngay thời điểm này. Đối với nhà đầu tư cầm tiền, nhiều chỉ báo đã vào vùng hấp dẫn nhưng quán tính giảm vẫn còn nên giải ngân ‘bắt đáy’ có thể thành ‘bắt dao rơi’.
‘Bạn bè của tôi có người tranh thủ đợt này để gom những cổ phiếu mang tính chu kỳ cho triển vọng tăng 1-2 năm tới, nhưng thật lòng tôi khuyên chỉ nên mua thăm dò chứ không ồ ạt’, ông Minh nói.
Bà Nguyễn Hoài Thu, Giám đốc điều hành khối đầu tư của Quỹ VinaCapital, đầu tháng 10 cho biết triển vọng ngắn hạn của thị trường chứng khoán Việt Nam đang đối mặt những rào cản mạnh như căng thẳng địa chính trị, kinh tế toàn cầu mấp mé suy thoái