Trong số các quỹ ETF nội, DCVFM VN30 ETF do Dragon Capital quản lý hiện nắm giữ 7,54 triệu cổ phiếu VIC, tương ứng 633 tỷ đồng và là quỹ ETF nội nắm giữ nhiều VIC nhất.
Trong nhiều năm qua, VinGroup (Mã CK: VIC) luôn là một trong những doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam. Với mức độ ảnh hưởng lớn tới thị trường nên hầu hết các quỹ đầu tư tại Việt Nam đều phân bổ danh mục vào VIC, đặc biệt các quỹ ETF.
Theo số liệu ước tính của chúng tôi, quy mô nắm giữ cổ phiếu VIC của các quỹ ETF trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện vào khoảng 52,3 triệu cổ phiếu, tương ứng tổng giá trị 4.390 tỷ đồng.
Trong đó, các quỹ ETF nội sử dụng tham chiếu là các bộ chỉ số do HoSE cung cấp như VN30, VN50 hay VN100 hiện nắm giữ khoảng 8,55 triệu cổ phiếu VIC, tương ứng tổng giá trị 719 tỷ đồng. Phần còn lại 43,7 triệu cổ phiếu VIC được nắm giữ bởi các quỹ ETF ngoại như VNM ETF, FTSE Vietnam ETF, Fubon ETF…
Trong số các quỹ ETF nội, DCVFM VN30 ETF do Dragon Capital quản lý hiện nắm giữ 7,54 triệu cổ phiếu VIC, tương ứng 633 tỷ đồng và là quỹ ETF nội nắm giữ nhiều VIC nhất.
Các quỹ ETF khác như SSIAM VN30 ETF; SSIAM VN50 ETF (SSIAM quản lý), MAFM VN30 ETF (Mirae Asset quản lý), KIM Growth VN30 ETF (KIM – Hàn Quốc quản lý), VinaCapital VN100 ETF (VinaCapital quản lý) hay IPAAM VN100 ETF (IPAAM quản lý) nắm giữ không quá nhiều VIC, chỉ từ vài chục tới vài trăm nghìn cổ phiếu.
Với nhóm quỹ ETF ngoại, Fubon FTSE Vietnam ETF tới từ Đài Loan (Trung Quốc) hiện nắm giữ nhiều VIC nhất với 16,6 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 1.395 tỷ đồng. Trong danh mục Fubon FTSE Vietnam ETF, cổ phiếu VIC hiện chiếm tỷ trọng lớn nhất danh mục với 12,07%.
Quỹ FTSE Vietnam ETF hiện nắm giữ 12,34 triệu cổ phiếu VIC, tương ứng 1.036 tỷ đồng. Trong khi VNM ETF cũng nắm giữ gần 10 triệu cổ phiếu VIC, tương ứng 830 tỷ đồng.
Các quỹ iShare ETF, S&P Select Frontier ETF cũng nắm giữ lần lượt 3,5 triệu và 1,4 triệu cổ phiếu VIC trong danh mục.
Trên thị trường, cổ phiếu VIC giảm khá mạnh trong những phiên giao dịch gần đây. Kết thúc phiên 10/2, thị giá VIC chỉ còn 84.000 đồng/cp, giảm 12% so với thời điểm cuối năm 2021 và giảm 34% so với mức đỉnh được thiết lập vào giữa năm ngoái.
Khối ngoại cũng bán ròng khá mạnh VIC từ đầu năm tới nay với giá trị bán ròng qua kênh khớp lệnh đạt gần 1.600 tỷ đồng.
Về hoạt động kinh doanh, trong năm 2021, VinGroup lỗ sau thuế hơn 7.500 tỷ đồng dù LNTT vẫn dương hơn 3.300 tỷ đồng.
Nguyên nhân chính dẫn tới lợi nhuận âm do các mảng kinh doanh dịch vụ như bất động sản cho thuê, nghỉ dưỡng – vui chơi giải trí chịu ảnh hưởng lớn bởi các đợt giãn cách kéo dài. Công ty cũng quyết định dừng sản xuất xe xăng để tập trung nguồn lực cho xe điện khiến phát sinh một khoản chi phí một lần. Bên cạnh đó là chi phí cho các hoạt động hỗ trợ phòng chống dịch covid riêng trong năm 2021 là gần 6.100 tỷ đồng.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị